Cập nhật:  GMT+7

Quê hương, dòng họ, gia đình - Cội nguồn nuôi dưỡng tài năng, nhân cách Đại tướng Đoàn Khuê

HỒ ĐẠI NAM, UVTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị

Được sinh ra trên quê hương Gia Đẳng, xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử cách mạng kiên cường, lớn lên trong sự đùm bọc, chở che của một gia đình cách mạng với nhiều thế hệ nối tiếp nhau chiến đấu, hy sinh vì Tổ quốc, đây chính là cội nguồn sức mạnh góp phần kết tinh, hình thành nên tài năng, nhân cách của Đại tướng Đoàn Khuê.

Quê hương, dòng họ, gia đình - Cội nguồn nuôi dưỡng tài năng, nhân cách Đại tướng Đoàn Khuê

Quảng Trị là vùng đất có bề dày trầm tích lịch sử và truyền thống yêu nước. Trong suốt chiều dài lịch sử, vùng đất này được xem là “phên dậu”, “trọng trấn” của rất nhiều cuộc chiến tranh, chia cắt, có lẽ chính những điều này đã tạo nên phẩm chất yêu nước nồng nàn của những con người được sinh ra từ vùng đất này.

Trong hàng nghìn năm Bắc thuộc và đấu tranh giành độc lập, tự chủ, nhân dân Quảng Trị luôn tích cực tham gia các cuộc đấu tranh chống bọn thống trị ngoại bang. Từ mùa xuân năm 40, Nhân dân Quảng Trị đã một lòng theo ngọn cờ Hai Bà Trưng khởi nghĩa chống ách đô hộ của nhà Hán, Nhân dân ở châu Minh Linh cũng đã tham gia đánh bại giặc Nguyên vào thế kỷ XIII và cũng trải qua hàng trăm năm đấu tranh với Chăm pa để giữ vững mảnh đất địa đầu của Đại Việt.

Khi nhà Minh xâm lược nước ta, đất Thuận Hóa là mục tiêu cuối cùng của cuộc chiến tranh thôn tính. Căm phẫn, tức giận trước sự bóc lột, vơ vét và tàn bạo của giặc Minh, người dân Quảng Trị đã đồng lòng theo Đặng Tất để nổi dậy khởi nghĩa.

Vào thế kỷ thứ XVI, trên con đường Nam tiến, mở mang bờ cõi về phía Nam, chúa tiên Nguyễn Hoàng đã chọn vùng đất Ái Tử của Quảng Trị đặt làm kinh đô (1558). Việc Nguyễn Hoàng chọn Quảng Trị để lập những dinh - phủ đầu tiên cho thấy vùng đất Quảng Trị có vị trí chiến lược quan trọng, là nơi hội tụ các yếu tố chính trị, quân sự, sách lược, tình cảm...

Vùng đất này trở thành nơi mở đầu cho quá trình “tự cường” của chúa Nguyễn Hoàng và các chúa Nguyễn ở xứ Đàng Trong. Chính từ vị trí đứng chân ban đầu này mà các chúa Nguyễn đã mở mang bờ cõi, tiến dần xuống phía Nam. Cũng từ đó, vùng đất Ái Tử/ Trà Bát/Cát Dinh của Quảng Trị trở thành thủ phủ của nhà chúa trong suốt thời gian dài 68 năm.

Thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, Nhân dân Quảng Trị không cam chịu cảnh sưu cao, thuế nặng, áp bức bóc lột Nhân dân nhằm củng cố quyền lực của các chúa Nguyễn đã nổi dậy chống lại các nhà chúa. Thế kỷ XVIII, dưới thời Tây Sơn, trong cuộc kháng chiến chống quân Thanh của Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ năm Mậu Thân (1788), hưởng ứng lời hiệu triệu của người anh hùng áo vải Quang Trung, người dân Quảng Trị đã hết lòng tham gia kháng chiến.

Riêng làng Câu Hoan (xã Hải Thiện – huyện Hải Lăng) đã có 42 người tham gia phong trào của nghĩa quân. Chính họ đã góp phần cùng cả dân tộc làm nên chiến thắng Kỷ Dậu năm 1789, đánh đuổi quân Thanh ra khỏi bờ cõi.

Khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, các văn thân, sỹ phu yêu nước ở Quảng Trị tiêu biểu như Trương Đình Hội, Khóa Bảo đã tập hợp nghĩa quân và Nhân dân vùng miền Tây Gio Linh, Vĩnh Linh, Cam Lộ cầm quân nổi dậy phò vua chống Pháp, tổ chức nhiều trận đánh gây cho quân Pháp nhiều thiệt hại, trong đó có trận Đò Lục.

Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Quảng Trị trở thành “cái nôi cách mạng”. Người Quảng Trị một lòng đi theo Đảng. Trong gần nửa thế kỷ (1930-1975), dân tộc Việt Nam đối đầu với hai kẻ thù hung hãn nhất thế kỷ XX thì đã có hơn 20 năm mảnh đất này là địa đầu, giới tuyến.

Hai hiệp định lịch sử về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam đều liên quan đến Quảng Trị (Hiệp định Giơnevơ năm 1954 chọn vĩ tuyến 17 làm giới tuyến, Hiệp định Pari năm 1973 ký khi sông Thạch Hãn đang là giới tuyến). Chiến tranh đã đi qua, những tên đất, tên làng ở Quảng Trị đã đi vào lịch sử và cũng biết bao con người nơi đây đã trở thành hiện thân của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, hiện thân của phẩm chất yêu nước nồng nàn của con người Việt Nam.

Có thể thấy, trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước, bên cạnh những phẩm chất chung cho cả dân tộc Việt Nam đó là: Yêu nước, cần cù, anh hùng, sáng tạo, lạc quan, thương người, vì nghĩa; do vị trí địa lý, hoàn cảnh tự nhiên, điều kiện sinh tồn nên người Quảng Trị vừa có đầy đủ các phẩm chất chung của người dân cả nước, vừa mang những nét riêng biệt của một vùng đất có khí hậu khắc nghiệt bậc nhất, thiên tai, địch họa triền miên, cuộc sống lao động, mưu sinh vô cùng khốn khó....

Những nhân tố đó đã hun đúc nên con người Quảng Trị với những phẩm chất nổi bật mang bản sắc rất đặc biệt. Truyền thống yêu nước và cách mạng của quê hương, những bản sắc rất riêng của người Quảng Trị chính là cội nguồn nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, trí tuệ, chí khí kiên cường, bất khuất của Đại tướng Đoàn Khuê.

Ngay từ nhỏ được tận mắt chứng kiến cảnh thực dân Pháp và bè lũ tay sai cướp bóc, hãm hiếp dân lành “cầm củ khoai, củ sắn cha mẹ cho trên tay mà nước mắt cứ trào ra, muốn làm người mà không được làm người, phải chịu cảnh ngựa trâu của kiếp đời nô lệ”[1]... Thấm thía nỗi khổ nhục của người dân mất nước, của cuộc đời lệ thuộc bọn ngoại bang. Với suy nghĩ không thể để cho bọn xâm lược và bè lũ tay sai muốn làm gì thì làm, phải cứu lấy cuộc đời mình, cứu lấy quê hương mình; người thanh niên trẻ Đoàn Khuê bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng khi đang ngồi trên ghế nhà trường tại thị xã Quảng Trị và năm 16 tuổi đồng chí được tổ chức phân công làm Bí thư Thanh niên phản đế phủ Triệu Phong.

Không chỉ giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, Quảng Trị còn là vùng đất sâu nặng “nghĩa tình”. Nghĩa tình cũng là nghĩa vụ và cả trách nhiệm lớn lao đối với vận mệnh quê hương, đất nước. Con người Quảng Trị từ xưa luôn có cuộc sống và tâm hồn nặng nghĩa, sâu tình, nhất mực thủy chung, biết tri ân những ai đã giúp mình và cũng tự biết trách nhiệm, nghĩa vụ của mình vì nghĩa lớn. Nghĩa tình của vùng đất Quảng Trị còn biểu hiện qua nghĩa khí, không bao giờ chấp nhận nạn ngoại xâm hay những bất công, bất nghĩa xảy ra trong xã hội; kiên quyết đấu tranh chống xâm lược; bảo vệ công bằng, lẽ phải trong cuộc sống hàng ngày.

Một biểu hiện rõ nhất cho phẩm chất “nghĩa tình” của người Quảng Trị đó là luôn nhớ thương, chăm lo cho những người đã khuất, nhất là những người đã chiến đấu, hy sinh vì cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập của dân tộc. Trong lịch sử, để ghi nhớ công ơn của các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập tự do cho dân tộc, người Quảng Trị đã quy tập hài cốt những nghĩa sĩ Tây Sơn hy sinh trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược nhà Thanh ở các tỉnh phía Bắc về an táng tại Nghĩa Trũng Đàn (1872).

Quảng Trị có 72 nghĩa trang Liệt sĩ , trong đó hầu hết có Liệt sĩ trên mọi miền đất nước (Máu bốn phương nhuộm đỏ đất này). Người Quảng Trị luôn trân trọng và thay mặt đồng bào cả nước thường xuyên chăm lo hương khói cho các Anh hùng Liệt sĩ. Chỉ điều đó thôi, có lẽ Quảng Trị là một trong những địa phương có sự chia sẻ, đóng góp cho công tác “Đền ơn đáp nghĩa” lớn nhất cả nước. Đó chính là một trong những biểu hiện phẩm chất “nghĩa tình” của con người Quảng Trị. Là người con Quảng Trị, chắc hẳn trong nhân cách Đại tướng Đoàn Khuê không thể không in đậm dấu ấn của quê hương.

Được hun đúc, nuôi dưỡng bởi phẩm chất nghĩa tình của người Quảng Trị, Đại tướng Đoàn Khuê luôn hướng về quê hương bằng tấm lòng thành kính của người con đi xa. Mỗi lần có dịp về thăm quê hương, dù thời gian có hạn, nhưng đồng chí vẫn tranh thủ đến thăm những gia đình có công với nước, những gia đình đã từng nuôi dưỡng, che chở, bảo vệ cơ sở cách mạng, mẹ Việt Nam anh hùng, những gia đình thương binh, liệt sĩ, những người già neo đơn, đồng chí xúc động thăm hỏi, chia sẻ với tấm lòng biết ơn sâu sắc, động viên các gia đình chính sách, bà mẹ Việt Nam anh hùng, các thương binh, bệnh binh.

Quảng Trị cũng là vùng đất của tinh thần “hiếu học”, người Quảng Trị vốn có tố chất thông minh, tài trí, khát vọng đỗ đạt. Truyền thống này bắt nguồn từ mỗi gia đình, dòng họ, từng làng quê. Cho đến tận hôm nay, rất nhiều dòng họ, rất nhiều làng vẫn giữ được truyền thống quý báu đó. Theo “Địa chí Quảng Trị”, trong số 39 khoa thi Hội do nhà Nguyễn tổ chức để lấy 291 tiến sĩ và 266 Phó bảng, thì Quảng Trị có 14 Tiến sĩ và 10 Phó bảng.

Phần lớn trong số họ đều xuất thân từ những gia đình lao động hoặc những dòng họ khoa bảng...nhưng tất cả đều có một hằng số chung là tinh thần hiếu học, chịu thương, chịu khó; đặc biệt, là ý thức vươn lên làm chủ số phận, để tôi luyện cốt cách, trí tuệ, dùi mài kinh sử thăng tiến bằng con đường học vấn, quan trường.

Truyền thống hiếu học của quê hương chính là cội nguồn hun đúc nên tinh thần ham học của Đại tướng Đoàn Khuê. Kế thừa truyền thống đó, lại sớm được tiếp thu những quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối cách mạng của Đảng qua những tài liệu, sách báo..., quá trình tham gia hoạt động cách mạng đồng chí Đoàn Khuê đã ý thức tự trau dồi, tự giác học tập, hoàn thiện bản thân để trở thành một vị tướng tài ba, nhà lãnh đạo, chỉ huy xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ngoài những yếu tố chung của vùng đất Quảng Trị, truyền thống lịch sử lâu đời và truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường của quê hương Triệu Phong và vùng đất Triệu Lăng, nơi sinh ra Đại tướng Đoàn Khuê cũng đã ảnh hưởng nhiều đến việc hình thành nhân cách và tài năng của đồng chí. Triệu Phong là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử và văn hóa lâu đời, trong suốt các thời kỳ lịch sử, vùng đất này chịu đựng nhiều hy sinh, mất mát nhưng luôn kiên gan, bền chí.

Được xem là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, nơi hội tụ nhiều yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” dưới thời phong kiến, Triệu Phong được rất nhiều triều đại chọn làm dinh - phủ, thế kỷ XV- XVI thời Lê - Mạc, Triệu Phong là một trong 2 phủ của tỉnh Quảng Trị, thời các chúa Nguyễn, chúa Nguyễn Hoàng trên con đường mở mang bờ cõi về phía Nam đã chọn vùng đất Ái Tử của huyện Triệu Phong để làm thủ phủ.

Trải qua hai cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại của dân tộc, mảnh đất này đã diễn ra nhiều sự kiện, nơi hội tụ nỗi nhớ niềm thương và máu xương cả nước. Mảnh đất Triệu Phong đã để lại biết bao kỳ tích về những tên đất, tên làng trong những năm tháng chiến tranh và trong hoà bình xây dựng. Triệu Phong là nơi thành lập Chi bộ đảng Cộng sản đầu tiên của Đảng bộ Tỉnh Quảng Trị và cũng là nơi đón tiếp những người tù chính trị được trao trả sau khi hiệp định Pari có hiệu lực. Triệu Phong còn là nơi sinh ra những người con ưu tú của đất nước như Tổng Bí thư Lê Duẩn, Phó Thủ tướng Trần Hữu Dực...

Xã Triệu Lăng, quê hương của Đại tướng Đoàn Khuê là một xã vùng cát ven biển bãi ngang huyện Triệu Phong. Làng Gia Đẳng, ngôi làng có bề dày truyền thống văn hóa lâu đời của xã Triệu Lăng, mảnh đất nghèo chưa nắng đã cằn khô, chưa mưa đã ngập úng, thiên tai khắc nghiệt: nắng, gió, bão, dông, mưa dầm, gió bấc. Có lẽ chính cái khắc nghiệt của mảnh đất nơi đây đã tôi luyện nên ý chí gang thép cho con người vượt qua gian khổ hy sinh để quyết tâm đánh và thắng giặc. Và cũng chính truyền thống cần cù sáng tạo, đoàn kết gắn bó chắt chiu, chịu đựng, niềm tin sắt son là mạch nguồn làm nên phẩm chất của cộng đồng dân cư miền biển nói chung, trong đó có người con của miền quê này - Đại tướng Đoàn Khuê.

Người dân Triệu Lăng vốn có truyền thống đấu tranh cách mạng, kiên cường, bất khuất, với lòng yêu nước, yêu quê hương nồng nàn tha thiết. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, lớp người trước ngã, lớp người sau tiến lên với tinh thần anh dũng vô song, với khí phách anh hùng, xả thân vì độc lập tự do, tất cả cho chiến đấu, tất cả để chiến thắng, góp phần làm rạng rỡ non sông đất nước. Truyền thống cách mạng kiên cường của quê hương Triệu Lăng đã ăn sâu vào tiềm thức và trở thành cội nguồn sức mạnh của Đại tướng Đoàn Khuê, người con ưu tú của quê hương Triệu Lăng.

Vùng đất Triệu Lăng cũng là nơi phát tích một nhánh của dòng họ Đoàn, một dòng họ bản địa, có mặt trên đất Việt từ thời Hùng Vương dựng nước. Theo cuốn sách “Đoàn tộc phả ký”, tổ tiên họ Đoàn có phát tích Sơn Lĩnh (huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ). Rồi từ nguồn gốc Sơn Lĩnh có nhiều vị đã chuyển cư đến định cư lâu bền ở nhiều nơi trên lãnh thổ của người Lạc Việt, Bách Việt[2]. Dòng họ Đoàn có mặt tại Quảng Trị vào thế kỷ XVI có gốc tích từ huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Theo gia phả họ Đoàn ghi chép: Thế kỷ XVI dưới triều Nguyễn, trong cuộc nổi lên chống lại vua Tự Đức, một số nhánh họ Đoàn đã ra định cư tại Quảng Trị, Đại tướng Đoàn Khuê chính là hậu duệ của một chi trong dòng họ Đoàn tại Quảng Trị.

Trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam, dòng họ Đoàn đã sản sinh ra nhiều vị văn thần, võ tướng tài ba, có công lớn với đất nước. Thời nhà Lý có ông Đoàn Thượng, một vị tướng rất tài giỏi. Thời nhà Trần có trạng nguyên Đoàn Xuân Lôi. Thời Hậu Lê có nữ sĩ nổi tiếng Đoàn Thị Điểm. Thời nhà Nguyễn có Đoàn Đình Niêu, vị quan tài ba làm đến chức Cửu phẩm; Đoàn Hữu Trưng, một thủ lĩnh của cuộc nổi dậy nhằm lật đổ vua Tự Đức; Đoàn Chí Tuân, thủ lĩnh của phong trào Cần Vương chống Pháp cuối thế kỷ XIX[3]...

Trong lịch sử, tổ tiên của dòng họ Đoàn kiên cường bất khuất cùng toàn dân Việt tham gia hàng nghìn cuộc nổi dậy khởi nghĩa lớn nhỏ chống giặc phương Bắc để bảo vệ truyền thống lịch sử văn hóa vẻ vang của dân tộc, giải phóng đời nô lệ, giải phóng dân tộc, tiến tới khôi phục chủ quyền quốc gia - phục quốc. Chính những truyền thống tốt đẹp này của dòng họ đã trở thành mạch nguồn kết nối, tiếp thêm sức mạnh hình thành nên tài năng, nhân cách của Đại tướng Đoàn Khuê.

Cái nôi quê hương giàu truyền thống yêu nước với những bản sắc riêng của người Quảng Trị đã hun đúc cho Đại tướng Đoàn Khuê lòng yêu nước thương dân, ý chí căm thù giặc, kích thích ý chí, nghị lực cứu nước, cứu dân, nhưng gia đình mới chính là nhân tố đầu tiên hình thành nên tình yêu quê hương đất nước, ý chí cách mạng kiên cường của Đại tướng sau này.

Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước, tấm lòng ái quốc của cha, đức tính nhân ái, vị tha, chịu thương, chịu khó của mẹ, tinh thần yêu nước, kiên cường, gan dạ từ các thành viên trong gia đình được truyền dạy đến con người Đoàn Khuê góp phần hình thành nên nhân cách cao đẹp, bản lĩnh và chí hướng cứu nước, cứu dân cao cả của vị đại tướng sau này.

Thân sinh Đại tướng Đoàn Khuê, cụ Đoàn Cầu (1904) và bà Nguyễn Thị Dương (1902). Cụ Đoàn Cầu là một thanh niên yêu nước ở làng Gia Đẳng, xã Triệu Lăng, sớm bắt gặp tư tưởng yêu nước, tiến bộ từ những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, ông Đoàn Cầu đã sớm đứng vào Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Tiếp nhận Chỉ thị 599 của đồng chí Lê Duẩn, ông Đoàn Cầu lập ra tổ chức Thanh niên dân chủ, rồi Thanh niên phản đế để đến ngày 6/01/1940 nhiều thành viên trong tổ chức thanh niên phản đế đủ điều kiện chuyển thành đảng viên Đảng Cộng sản và Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Triệu Lăng ra đời[4].

Cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi và phong phú của ông Đoàn Cầu đã để lại cho Đại tướng Đoàn Khuê nhiều bài học quý báu, đó là bài học về sự hy sinh, về sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, kể cả việc đem nhà thờ họ ra phụng sự cách mạng. Ông Đoàn Cầu là người đầu tiên đề xuất chi bộ đảng vận động Nhân dân họ Đoàn trồng dương liễu xung quanh nhà thờ họ Đoàn nhằm đạt các mục đích như: che kín địa điểm làm việc, in ấn, thu giấu tài liệu của cán bộ cách mạng, nuôi giấu cán bộ cách mạng. Ông Đoàn Cầu còn tích cực vận động một số gia đình đóng tiền hàng tháng để nuôi cán bộ Đảng. Trong trận càn Ca Mác năm 1953, ông Đoàn cầu đã hy sinh.

Kế tục truyền thống yêu nước của cha và lớp lớp đàn anh đi trước, tất cả 9 anh em trong gia đình của Đại tướng Đoàn Khuê - đã quyết tâm đi theo con đường cách mạng của Đảng để giải phóng dân tộc, giải phóng quê hương. Gia đình cụ Đoàn Cầu sau này đã cống hiến cho đất nước 9 hạt giống đỏ, trong đó có 6 người con là liệt sĩ và 3 người con khác đã được phong lên hàm tướng, tá.

Thân mẫu của Đại tướng, bà Nguyễn Thị Dương là người phụ nữ dịu dàng, nhân hậu, hôm sớm tần tảo nội trợ và luôn động viên, tin tưởng chồng, tin vào con đường chồng đã chọn, tin vào ý chí của những đứa con ngay từ nhỏ đã được cha truyền cho cái chí “làm trai đền nợ nước”. Những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, nhà mẹ Nguyễn Thị Dương và mẹ Nguyễn Thị Lạnh (người vợ thứ 2 của ông Đoàn Cầu, cũng là em ruột của bà Nguyễn Thị Dương) là nơi cất giấu vũ khí, tài liệu từ chiến khu cung cấp cho địa phương, là nơi làm việc, đóng quân của ban chỉ huy Trung đoàn 95.

Năm 1940, khi đọc tin “cậu cả” Khuê bị địch bắt, bà Dương đã bươn bả chạy tới nhà lao Quảng Trị tìm con. Người mẹ đứng ngoài hàng rào cố ngóng mắt tìm con, còn người con lén trèo lên mái nhà tìm mẹ. Khi ánh mắt hai mẹ con gặp nhau, tiếng gọi con ơi, mẹ ơi vang lên từ mắt “cậu cả” Đoàn Khuê đã nhòa lệ. “Đó là ấn tượng sâu sắc nhất của tôi về mẹ, ánh mắt của bà xót thương, âu yếm nhưng lại động viên tôi luôn vững lòng”.

Kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, khi ấy, bà có quyền cùng gia đình tập kết ra Bắc, nhưng không, bà xin ở lại tiếp tục tạo dựng cơ sở và nuôi dạy con cái. Trong chiến dịch tố cộng, nhiều lần kẻ địch dụ dỗ, bắt, tra tấn bà, kìm kẹp gia đình. Mặc cho kẻ thù hăm dọa, bà vẫn một lòng kiên trung với Đảng, khuyến khích con cháu tham gia cách mạng.

Cho đến năm 1964 - khi bà bị giặc bắt, tra tấn, kể cả có lần suýt bị chúng chôn sống, sức cạn kiệt, tổ chức phải bố trí đưa bà ra Bắc, thì ngay ở hậu phương, bà vẫn là ngọn hải đăng luôn rọi đường cho những đứa con ở mọi mặt trận. Trong lúc đi, gặp người con thứ sáu là cán bộ huyện ủy, bà chỉ kịp dặn: “Hãy nhớ lấy lời cha lúc bình sinh, các con ở lại cùng bà con chiến đấu”.

Phong trào cách mạng lớn dần lên và các chàng trai, cô gái của gia đình bất chấp phong ba, gió cát của biển, bất chấp sự đe dọa của kẻ thù cũng dần trưởng thành và lần lượt lên đường tham gia cách mạng. “Địch dù có 600 thuyền bền, súng cứng. Ta há không gan sắt, dạ đinh”[5]. Những câu thơ nghĩa khí của người cha, lòng tin tưởng vào cách mạng của người mẹ đã động viên họ. Bắt đầu là “cậu cả” Khuê rồi “cậu nhỏ” Chương - những người đầu tiên của gia đình theo chí hướng cha trở thành những chiến sĩ cách mạng kiên cường.

Bà đã giúp Đại tướng Đoàn Khuê vững vàng về ý chí để củng cố cơ sở, xây dựng phong trào. Đại tướng Đoàn Khuê cho biết, khi ông chiến đấu ở chiến trường Khu 5, các anh Đoàn Thúy, Đoàn Cư, Đoàn Giao, Đoàn Đình, Đoàn Ngọc Anh, Đoàn Văn Hà (con của bà Nguyễn Thị Lạnh, người đã thay bà Dương ở lại Gia Đẳng trông nom các con và nuôi giấu cán bộ) và chị Đoàn Thị Tùng ở lại chiến đấu tại quê nhà cũng luôn nhận được sự động viên của bà từ hậu phương miền Bắc.

Chính bà đã giúp cho các con, các cháu tạo ra một gia đình lớn - một gia đình bộ đội vững mạnh, anh hùng. Chiến tranh ác liệt, các con của bà đã lần lượt hy sinh vì quê hương, đất nước. Còn nỗi đau nào hơn khi chỉ hơn bốn năm trời mà sáu người con thân yêu của mẹ, sáu người em của Đại tướng Đoàn Khuê đã lần lượt hy sinh. Truyền thống của quê hương, gia đình có ảnh hưởng quyết định tới việc hình thành tư cách, đạo đức cách mạng của đồng chí Đoàn Khuê và đó cũng chính là dòng sữa ngọt ngào nuôi dưỡng tình cảm cách mạng của Đại tướng Đoàn Khuê sau này.

Vùng đất Quảng Trị giàu truyền thống anh hùng trong chống giặc ngoại xâm, truyền thống yêu nước nồng nàn của gia đình, dòng họ đã tạo nên cốt cách, tài năng của người chiến sĩ cộng sản Đoàn Khuê. Từ một thanh niên yêu nước, được trưởng thành trong phong trào cách mạng của Hội Thanh niên phản đế phủ Triệu Phong, đi từ cán bộ cấp tiểu đoàn đến Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, ở đâu, lúc nào Đại tướng Đoàn Khuê luôn là một cán bộ, đảng viên trung kiên, một lòng một dạ phục vụ Tổ quốc, phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân, phục vụ Quân đội, đấu tranh không khoan nhượng với kẻ thù; đồng chí là một cán bộ chính trị - quân sự tài giỏi, là người lãnh đạo chỉ huy sắc sảo, quyết đoán, có tầm chiến lược sâu xa; có đạo đức cách mạng trong sáng, liêm khiết, được Đảng, Nhà nước và quân đội và Nhân dân tin yêu, mến phục.

[1] Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 - Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Đại tướng Đoàn Khuê - Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, tr.577.

[2] Http: www.doantoc.vn

[3] Http: www.doantoc.vn

[4] Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 - Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Đại tướng Đoàn Khuê - Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, tr.587.

[5] Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 - Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Đại tướng Đoàn Khuê - Cuộc đời và sự nghiệp, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2010, tr.601.



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Những kỷ niệm sâu sắc với Đại tướng Đoàn Khuê

Những kỷ niệm sâu sắc với Đại tướng Đoàn Khuê
2023-10-26 18:53:00

Với đồng chí Đoàn Khuê, Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, về cương vị lãnh đạo Đảng - Nhà nước và Quốc phòng, tôi không có điều kiện am hiểu nhiều để có...

Thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

Thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
2023-10-26 06:40:00

QTO - Năm 2023, phong trào thi đua quyết thắng trong lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh tiếp tục triển khai toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, bám...

Thời tiết