Cập nhật:  GMT+7

Nhật ký trong tù, lịch sử và giá trị nghệ thuật

Giống như Truyện Kiều và những tác phẩm lớn khác, Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh chứa đựng những tầng nghĩa dường như vô tận mà mỗi thời đại chỉ khai thác được một lớp. Hơn nữa, một tác phẩm nghệ thuật, trong tính hoàn chỉnh của nó, còn gắn với sự cảm thụ của người thưởng ngoạn. Những người thưởng ngoạn khác nhau sẽ tìm ra những vẻ đẹp khác nhau. Hôm nay, chúng ta có nhiều điều kiện hơn để nhìn ra những vẻ đẹp mới lấp lánh của viên ngọc quý ấy.

Lý do Bác Hồ đi Trung Quốc

Như chúng ta đã biết, năm 1941 Bác Hồ về nước, chủ trì Hội nghị Trung ương 8, quyết định chuyển hướng cách mạng, thành lập Mặt trận Việt Minh. Đó là những quyết định sáng suốt bảo đảm tập hợp lực lượng đại đoàn kết dân tộc giành thắng lợi trong cuộc Tổng Khởi nghĩa sẽ diễn ra nay mai. Và để bảo đảm hơn cho sự thắng lợi ấy, Bác lên đường sang Trung Quốc để tranh thủ ủng hộ quốc tế.

Theo hiện vật còn lưu ở Bảo tàng Hồ Chí Minh, thì Bác sang Trung Quốc với tên Hồ Chí Minh theo giới thiệu “Việt Nam độc lập đồng minh hội” và “Quốc tế phản xâm lược Việt Nam phân hội”. Giấy giới thiệu ghi rõ: “Cử cụ Hồ Chí Minh đi gặp Chính phủ Trung Quốc”. Cái tên Hồ Chí Minh xuất hiện lần đầu tiên trong chuyến đi này.

Ngày 13/8/1942, Bác và đồng chí Lê Quảng Ba sang Trung Quốc. Theo nghiên cứu của Giaos sư Hoàng Tranh ở Viện Khoa học Xã hội tỉnh Quảng Tây trong sách “Hồ Chí Minh với Trung Quốc” (NXB Quân Giải phóng Trung Quốc, Bắc Kinh 1987) và các nhà nghiên cứu Trung Quốc khác, thì ngày 25/8/1942 đoàn đến thôn Ba Mông, huyện Tĩnh Tây, ở nhà nông dân Từ Vĩ Tam là người anh em kết nghĩa với Bác.

Nhật ký trong tù, lịch sử và giá trị nghệ thuật

Từ đây, đồng chí Lê Quảng Ba về nước; người dẫn đường cho Bác đi tiếp là một thanh niên Trung Quốc có tên là Dương Đào. Ngày 29/8, Người đến Túc Vinh, huyện Đức Bảo, tỉnh Quảng Tây và nghỉ trong một nhà trọ nhỏ. Đêm hôm ấy, đặc vụ do tuần canh Hướng Phúc Mậu ập vào nhà trọ kiểm tra giấy tờ rồi còng tay mọi người dẫn nộp cho trưởng quan Mã Hiến Vinh.

Trung tướng Trần Bảo Thương, Tư lệnh an ninh biên giới Tĩnh Tây, chỉ huy tình báo của Tưởng đóng ở Tĩnh Tây nhận được tin báo đã bắt được một người tên là Hồ Chí Minh có thân thế phức tạp, mang nhiều giấy tờ cấp từ năm 1940, đã quy tội cho Người là “Hán gian” - nghi phạm gián điệp.

Việc xảy ra do trong người Bác mang quá nhiều giấy tờ, trong đó có cả giấy tờ của Đệ tứ chiến khu của Quốc dân đảng cấp, giấy tờ của Hội ký giả tin tức thanh niên Trung Quốc...; nhưng sâu xa là do sự tố giác của Trương Bội Công, một người Việt Nam ở Trung Quốc, Thiếu tướng trong quân đội Tưởng, lăm le làm “lãnh tụ” Việt Nam trong chuyến “Hoa quân nhập Việt” sắp tới. Để đạt được mục đích này, việc đầu tiên của hắn là loại trừ Hồ Chí Minh – Nguyễn Ái Quốc, người đang có uy tín rất cao trong nước và nước ngoài.

Trong Nhật ký trong tù, Bác cũng ghi rất rõ về mục đích của chuyến đi trong bài Thế lộ nan: “Dư nguyên đại biểu Việt Nam dân/ Nghĩ đáo Trung Hoa kiến yếu nhân (Ta là đại biểu dân Việt Nam. Đến Trung Hoa gặp các yếu nhân - để bàn bạc, phối hợp chống phát xít).

Cũng theo Hoàng Tranh, do vận động quốc tế, tháng 8/1944, Hồ Chí Minh được tướng Trương Phát Khuê trả tự do cho về nước cùng với 18 thanh niên do Cụ lựa chọn. Trên đường về, Cụ dừng lại nghỉ ở làng Hạ Đống (thuộc huyện Long Châu). Rời Hạ Đống, “Người đã gửi lại một chiếc vali mây, trong đó có tấm chăn quân dụng và một số sách vở giấy tờ, nhờ gia đình Nông Kỳ Chấn giữ hộ” (Hoàng Tranh dẫn theo hồi ký của Nông Kỳ Chấn).

Về nước, công việc chuẩn bị tiến tới Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945 diễn ra rất khẩn trương, kẻ địch tăng cường lùng sục, Cụ Hồ phải liên tục chuyển địa điểm, nhiều lần phải tạm lánh sang các xã thuộc huyện Long Châu, Trung Quốc, đồ đạc, giấy tờ, trong đó có cuốn sổ tay thơ, được gửi lại nhà nào Cụ không còn nhớ nữa (nhưng không có chuyện giắt lên mái tranh như có người đã viết). Cuốn sổ tay thơ của Cụ bị thất lạc từ đó.

Đồng chí Tạ Quang Chiến, cận vệ của Bác kể, một hôm vào khoảng giữa năm 1955, ông đang ngồi nhận công văn do các nơi gửi đến thì thấy trong đó có một phong bì dày cộm, không đề tên người gửi, mà chỉ có dòng chữ: Gửi Văn phòng Chủ tịch phủ để trình lên Bác Hồ. Mở phong bì ra, ông thấy có một cuốn sổ nhỏ viết bằng chữ Hán rất sạch sẽ, không có chỗ nào gạch xóa, ông đem trình lên Bác Hồ.

Nhận cuốn sổ tay, xem qua một lượt, niềm vui hiện rõ trên nét mặt, Người nắm chặt tay ông Tạ Quang Chiến và nói: “Bác cảm ơn chú!” và dặn phải có thư cảm ơn và tặng thưởng cho người có công giữ gìn và chuyển lại cuốn sổ này. Đó chính là “Ngục trung nhật ký”, nó xuất hiện lần đầu tiên trước công chúng trong Triển lãm về cải cách ruộng đất tại Phố Bích Câu, Hà Nội vào tháng 9/1955; được Viện Văn học dịch và xuất bản năm 1960 với 114 bài; đến năm 1993 thì được dịch và giới thiệu đủ 134 bài, kể cả bài “Mới ra tù tập leo núi”.

Giải quyết những tồn nghi

Trên đầu trang bìa quyển sổ tay bản gốc của Bác, dưới chữ “Ngục trung nhật ký” bằng chữ Hán có đề dòng thời gian là “29.8. 1932 / 10.9.1933”. Đây là một căn cứ mà năm 1998, ông Lê Hữu Mục, nguyên giáo sư văn chương tại Đại học Văn khoa, Đại học Sư phạm Sài Gòn dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa có viết bài “Hồ Chí Minh không phải là tác giả Ngục trung nhật ký” (Văn bút Việt Nam Hải ngoại xuất bản, tháng 11/1990, Làng Văn (Canađa) ấn loát và tổng phát hành).

Căn cứ thứ hai, Lê Hữu Mục cho rằng, tập thơ này là của một người Trung Quốc, một tướng cướp tên là Già Lý thạo chữ Hán bị giam chung với Nguyễn Ái Quốc trong nhà tù Vich-to-ri-a ở Hồng Kông năm 1932, ông viết "Sau nữa là khi tôi (Lê Hữu Mục) bị tù về tội vượt biên, trong trại tù lập một tủ sách, có cuốn nhật ký đó, tôi mượn về đọc vì có in chữ Hán trong đó. Những bạn tù người Hoa (Trung Quốc) đọc xong và họ ngạc nhiên lắm. Họ nói giọng văn thơ này là của người Tàu, không phải lối viết, lối nói của người Việt”.

Về dòng thời gian, Giaos sư Đặng Thai Mai đã viết rất rõ trong bài “Đọc Ngục trung nhật ký” (Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam, NXB VHTT, 2000) đã nói rõ, ông trước đây đã có hỏi Trung ương và được biết đó là do ghi sai, đúng ra là 1942-1943. Các bài khác trong sổ đều có đánh số và có ngày tháng rõ ràng. Vậy mà nhiều người có đọc hay không đọc bài viết của Lê Hữu Mục vẫn a dua theo và cho đó là một “phát hiện” quan trọng, thậm chí là một tác phẩm khoa học có giá trị nhất trong cuộc đời của ông này.

Để ai chưa từng đọc và nhận thức theo “tin đồn”, xin trích một đoạn trong trả lời của Lê Hữu Mục trong phỏng vấn của Hội Văn hóa Việt hải ngoại đăng trên Tinh vệ ngày 22 Jun 2003: “Kịp đến khi tôi sang đến Canada, gặp lúc Văn Bút Việt Nam đang thời kỳ tái lập ở Hải ngoạị. Anh em Văn Bút lúc đó hoạt động hăng lắm... Anh em giục giã tôi viết... Anh em ở hải ngoại bảo nhau phải tìm mọi cách để xóa bỏ cái huyền thoại Hồ Chí Minh, chuyện Hồ Chí Minh sẽ được tôn vinh là nhà văn hóa lớn quốc tế do UNESCO công nhận.

Dạo đó có phong trào “No HO” nổi lên đòi hủy bỏ vụ tuyên dương vô lý này. Tôi cố gắng viết, chỉ nội trong một tháng là xong. Tôi gửi loạt bài này đăng trên tạp chí Làng Văn của nhà báo, nhà thơ Cung Vũ Nguyễn Hữu Nghĩa và nhà báo Nguyên Hương”.

GS Hoàng Tranh, Viện Khoa học xã hội tỉnh Quảng Tây đã từng theo từng bước chân Bác Hồ sang Trung Quốc năm 1942-1943 và cho xuất bản cuốn sách “Hồ Chí Minh với Trung Quốc” (NXB Quân Giải phóng Trung Quốc, Bắc Kinh 1987). Hoàng Tranh đã gặp nông dân Từ Vĩ Tam ở Ba Mông, Tĩnh Tây, Quảng Tây vào ngày 15/6/1981 và nghe ông này kể: “Năm ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh do đồng chí Lê Quảng Ba dẫn đường từ Việt Nam sang. Hơn bốn giờ chiều ngày 12/7 âm lịch thì đến nhà tôi (tức ngày 25/8/1942).

Lúc ấy Hồ Chí Minh đeo trên lưng một cái túi lưới, tay cầm gậy, mặc áo kiểu đời Đường hai vạt màu be, để râu, trông thật giống một thầy địa lý nông thôn. Tôi lập tức quét dọn nhà cửa, sắp đặt chỗ nghỉ cho ông... Lúc ấy vừa hay có mấy người bạn tới nhà tôi, họ đều biết Hồ Chí Minh và họ đều tham gia việc nhận anh em giữa người Trung Quốc và Việt Nam. Mọi người bảo hôm sau nữa là tết Trung nguyên (14 tháng Bảy), ở Quảng Tây là ngày lễ lớn, ăn tết với chúng tôi đã rồi lại đi. Hồ Chủ tịch đành ưng thuận. Như thế là Hồ Chủ tịch ở trong nhà tôi luôn trong ba ngày...

Tối hôm tết Trung nguyên, ngoài tôi ra còn có Dương Đào, Vương Tích Cơ, Hoàng Đạt Hán, Hoàng Đức Quyền... cùng Hồ Chủ tịch ăn tết ở nhà tôi. Mọi người vừa ăn vừa bàn xem ngày mai ai đưa Hồ Chủ tịch đi. Dương Đào nói “Để tôi đi cho, và dù không ra khỏi cửa thì Quốc dân đảng bắt lính cũng không bỏ sót tôi đâu!”. Thế là quyết định Dương Đào đưa Hồ Chủ tịch lên đường. Lúc ấy Dương Đào còn chưa tròn 20 tuổi”.

Dương Đào là nhân vật trong bài thơ thứ 116 của Nhật ký trong tù: “Sóng dậy đất bằng hỏi cớ sao/ Đẩy anh vào ngục, anh Dương Đào/ Cháy thành lây vạ, buồn khôn xiết/ Nay lại thương anh mắc chứng lao”. Khi được tha, ông này bị chết trên đường về quê. Năm 1963, Bác Hồ mời gia đình Vương Đào và những người Trung Quốc có công với cách mạng Việt Nam sang thăm nước ta.

Bác Hồ cũng trực tiếp nói về tập thơ này trong “Vừa đi đường vừa kể chuyện” như sau: “Các chú không nhắc thì Bác cũng không nhớ đến nữa (và sự thực Bác không nhớ nữa, do người khác tìm được ở mái tranh của một nhà đồng bào). Bác không phải là người hay thơ, mà thơ của Bác cũng không hay... Để tiêu khiển ngày giờ, chỉ có cách nghêu ngao, vắn tắt ghi lại sinh hoạt của người ở tù cho khuây khỏa thế thôi, phải thơ phú gì đâu”.

Bác có phải nhà thơ và thơ Bác có hay không?

Nhiều người căn cứ vào câu nói của Bác mà chúng tôi đã trích dẫn có chủ ý ở trên, cùng với bài Khai quyển: “Ngâm thơ ta vốn không ham/ Nhưng vì trong ngục biết làm chi đây/ Ngày dài ngâm ngợi cho khuây/ Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do” và nhiều bài thơ giản dị, dễ hiểu của Bác để cho rằng thơ Bác là thơ tuyên truyền.

Nhật ký trong tù, lịch sử và giá trị nghệ thuật

Sự thật, Bác Hồ là một nhà thơ lớn. Bác phải là người tầm vóc, sành thơ thế nào mới phê bình thơ Huy Cận “Bài hay xen lẫn với bài vừa”. Nhiều lúc, Bác cũng tự nhận mình là thi nhân: “Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt/ Nguyệt tòng song khích khán thi gia” (Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ, Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ). Và con người ấy hòa hợp, lộng lẫy cùng cái đẹp của thiên nhiên”: “Khán thư sơn điểu thê song hãn/ Phê trát xuân hoa chiếu nghiễn trì” (Xem sách chim rừng vào cửa đậu, Phê văn hoa núi ghé nghiên soi).

Đánh giá về thơ Bác, nhà thơ Trung Quốc Viên Ưng, trong bài “Bác Hồ, một nhà thơ lớn” trên tạp chí Văn nghệ số 5-1960 viết: “Khi tôi giở đọc tập thơ Nhật ký trong tù lòng tôi xúc động vô cùng. Tôi cảm thấy như trái tim vĩ đại đó đã tỏa ra ánh sáng chói ngời trong một hoàn cảnh tối tăm. Bác Hồ là một nhà thơ lớn”.

Nhà văn hóa Quách Mạt Nhược (1892-1978), Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, Chủ tịch Liên hiệp hội nghệ thuật Trung Quốc trong Lời giới thiệu cho Ngục trung nhật ký xuất bản ở Trung Quốc gồm 100 bài (nhất bách thủ) năm 1960 đánh giá: “100 bài thơ, bài nào cũng đều toát ra hết sức sinh động hình ảnh của một nhà cách mạng lão thành thanh thoát, tài trí, ung dung, giản dị, kiên cường... Có một số bài rất hay, nếu như đặt lẫn vào tập thơ của những thi nhân đời Đường, đời Tống thì cũng khó mà phân biệt được (đăng lại trên Nghiên cứu văn học, 12-1960).

Nhà thơ Cuba Phê-lích Pi-ta Rô-đri-ghết khẳng định: “Bước vào tòa nhà vững chãi và xinh đẹp xây bằng ngôn ngữ , tức là cuốn Nhật ký trong tù, mỗi bước đi sẽ bắt gặp những cội nguồn sâu xa của một con người tiêu biểu cho những con người đặc biệt phi thường, những hòn đá trụ của nhân loại... Tất cả những gì cao thượng và vinh quang đều tồn tại vĩnh viễn trong những trang sách đó”.

Hiểu thêm thơ Bác từ điểm nhìn hôm nay

Nghệ thuật luôn được tận dụng để phục vụ chính trị. Điều ấy ở đâu, lúc nào cũng vậy và nghệ thuật luôn là vũ khí sắc bén của chính trị. Nhưng nghệ thuật không chỉ có thế. Nó còn hướng về cái đẹp vĩnh hằng, về những giá trị nhân loại, trong khi chính trị chỉ là thời đoạn, thậm chí thời điểm. Trước đây, chúng ta khai thác Nhật ký trong tù ở khía cạnh tàn ác của chủ nghĩa đế quốc, ở chất thép của người cộng sản. Bây giờ, chúng ta cần mở rộng hơn những giá trị vừa thiết thực, vừa vĩnh hằng của Nhật ký trong tù.

Nhật ký trong tù trước hết là từ điển cuộc sống, là bài học làm người. Phải kinh qua cuộc sống khắp trời Á, Âu, qua nhiều nghề; phải hai lần vào tù, nhiều lần lâm cảnh hiểm..., Hồ chí Minh là người có thẩm quyền tổng kết cuộc đời. Đó là Đường đời khó khăn (Thế lộ nan), nói lên một kinh nghiệm, một sự bất thường hay có ở đời: “Đi khắp đèo cao lại núi cao/ Ngờ đâu đường phẳng lại lao đao/ Núi cao gặp hổ mà vô sự/ Đường phẳng gặp người bị tống lao”.

Trong bài Đi đường (Tẩu lộ), Bác khẳng định: “Đi đường mới biết gian lao/ Núi cao rồi lại núi cao trập trùng”. Ở đời thời Bác, cũng như mọi thời, là không lúc nào xong việc, không lúc nào hết khó khăn. Qua dốc đèo này đến dốc đèo khác ngày một cao hơn, khó vượt hơn. Để vượt nó, để sống và vượt được mọi đèo cao, hào sâu, trở ngại trong đời, con người phải có niềm tin, ý chí và bản lĩnh để vượt qua những thử thách đó.

Ở đời, không ai không có lúc rơi vào hoàn cảnh bi đát, bị vây hãm khốn cùng. Nhưng trong cái cùng, có cái biến. Người xưa nói, “bĩ cực thái lai”, “cùng tắc biến, biến tắc thông”, đạo luân chuyển như vậy. Hoàn cảnh không bao giờ hết hy vọng, chỉ có lòng người hết hy vọng mà thôi. Vì thế, Nhật ký trong tù khuyên con người đừng bao giờ hết hy vọng, trong khốn cùng là lúc càng khẩn trương, hăng hái rèn luyện: “Ví không có cảnh đông tàn/ Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân/ Nghĩ mình trong bước gian truân/ Tai ương rèn luyện tinh thần thêm hăng”. (Tự khuyên mình)

Hay: “Gạo đem vào giã bao đau đớn/ Gạo giã xong rồi trắng tựa bông/ Sống ở trên đời người cũng vậy/ Gian nan rèn luyện mới thành công. (Nghe tiếng giã gạo).

Nhật ký trong tù, lịch sử và giá trị nghệ thuật

Cái quý nhất của đời người là sự sống. Cái quý nhất của sự sống là tự do. Nhật ký trong tù là bài ca bất hủ về tự do. “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, cái chân lý vĩ đại ấy được phát biểu vào ngày 17/7/1966 đã được Hồ Chí Minh ấp ủ từ thuở thiếu thời, từ thuở vong quốc nô, từ thuở Người là tù nhân trong nhà tù đế quốc.

Người cảm nhận sâu sắc: “Trên đời ngàn vạn điều cay đắng/ Cay đắng chi bằng mất tự do”. Không có tự do, bị người khác dắt dẫn thì không khác gì súc vật “Mỗi việc mỗi lời không tự chủ/ Để cho người dắt tựa trâu bò”. Để có được tự do, cần phải đánh đổ mọi áp bức. Điều ấy thì ai cũng hiểu được. Nhưng trong hoàn cảnh nào, cũng có được tự do, đó là Hồ Chí Minh: “Tự do tiên khách trên trời/ Biết đâu trong ngục có người khách tiên” (Quá trưa).

Cái ung dung tự tại, cốt cách tiên ông của Hồ Chí Minh không dễ ai học được; nhưng tự do theo Hồ Chí Minh không làm cho người thường học được thì Hồ Chí Minh không còn vĩ đại nữa. Bác dạy người trong hoàn cảnh ngặt nghèo nhất vẫn được chọn lựa, vẫn có cách hướng về tự do, trong đó có tự do lựa chọn “Mỗi người nửa chậu nước nhà pha/ Rửa mặt pha trà tự ý ta (chúng ta không bàn đến sự khổ cực trong tù).

Trong bài Trên đường (Lộ thượng) tuy con người bị trói và dẫn đi như con vật, nhưng vẻ đẹp thiên nhiên và tự do thưởng ngoạn vẻ đẹp ấy, chưa đủ làm nên hạnh phúc những cũng đủ làm cho đời người đáng sống và bớt phần thê lương: “Mặc dù bị trói chân tay/ Chim ca rộn núi, hương bay ngát rừng/ Vui say, ai cấm ta đừng/ Đường xa, âu cũng bớt chừng quạnh hiu”.

Đọc Nhật ký trong tù, chúng ta có thể rơi nước mắt, nhân ái hơn từng ngày khi đọc những bài như Cháu bé trong nhà ngục Tân Dương, Một người tù cờ bạc “chết cứng”.... Đọc Nhật ký trong tù, chúng ta có thể bật phá lên cười để rồi quặn đau trước những tấn trò đời không bao giờ kết thúc trước giọng thơ trào phúng cực kỳ thông minh, thâm thúy của Bác như Lời hỏi (Vấn thoại); Đánh bạc (Đánh bạc ở ngoài quan bắt tội/ Trong tù đánh bạc được công khai/ Bị tù con bạc ăn năn mãi/ Sao trước không vô quách chốn này); Gia quyến người bị bắt lính (Quan trên xót nỗi em cô quạnh/ Nên lại mời em tạm ở tù); Lai Tân (Ban trưởng nhà lao chuyên đánh bạc/ Giải người, cảnh trưởng kiếm ăn quanh/ Chong đèn, huyện trưởng làm công việc/ Trời đất Lai Tân vẫn thái bình) ...

Đọc Nhật ký trong tù, chúng ta có thể qua các bài như Cột cây số, Nghe gà gáy... mà biết minh định không lầm lẫn những giá trị trong cuộc sống; qua Học đánh cờ, Giải đi sớm... biết nhìn nhận xa rộng, biết tiến, biết thoái trong đời và trong việc hoạch định những chiến lược, thực thi sách lược, cầm quân trong phong trào cách mạng... Với tất cả những ý nghĩa đó, Nhật ký trong tù xứng đáng là cẩm nang của cách mạng và đời sống.

Nguyễn Sĩ Đại


Nguyễn Sĩ Đại

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Dành trọn đam mê cho bộ môn billiards

Dành trọn đam mê cho bộ môn billiards
2024-05-18 06:20:00

QTO - Hơn 20 năm qua, Võ Trường Thiên Thư (sinh năm 1987), ở Phường 2, thị xã Quảng Trị, luôn nỗ lực, bền bỉ theo đuổi đam mê với bộ môn billiards. Anh...

Mặn mòi vị biển

Mặn mòi vị biển
2024-05-18 05:45:00

QTO - Quê nội, quê ngoại tôi đều ở vùng đồng bằng ven biển nên từ nhỏ, tôi đã quen thuộc với hương vị mặn mòi nước mắm.

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết