Cập nhật:  GMT+7

Người đứng sau

Hóa ra, ước mơ mà chúng ta theo đuổi, rực rỡ và lớn lao, lại được gầy dựng bằng những năm tháng cha nhẫn nại làm người đứng sau.

Người đứng sau

Minh họa: LÊ DUY

Tôi từng nghĩ, trên đời này, chẳng có tình cảm nào vừa dịu dàng, vừa khắc khoải như tình cha với con gái. Không ồn ào, cũng chẳng màu mè. Là thứ tình cảm âm thầm, cứng cỏi như bàn tay gân guốc, suốt cả đời chỉ biết lặng lẽ chống đỡ, để con gái mình được yên lòng mà lớn lên.

Người ta bảo, có con trai là có thêm một người đàn ông trong nhà. Có con gái, là có thêm một trái tim mềm. Và người cha, dù có mạnh mẽ, kiên cường đến đâu, khi đứng trước ánh mắt long lanh của đứa con gái nhỏ, cũng trở nên vụng về đến tội.

Từ cái ngày run run ký tên vào giấy khai sinh là lần đầu tiên người đàn ông biết rằng, cuộc đời mình từ nay gắn với một sinh linh bé nhỏ. Từ ngày đó, người đàn ông ấy gánh lên vai mình trọng trách nâng đỡ cho một cuộc đời, vô điều kiện.

Hôm nay, tôi chứng kiến cảnh người đàn ông hàng xóm nắm tay con gái mình bước vào lễ đường. Người cha với mái tóc đã ngả bạc quá nửa, ánh mắt long lanh xúc động. Tay ông nắm tay con gái- bàn tay nhỏ bé từng bấu víu ông những năm đầu đời. Giờ, bàn tay ấy đã đặt vào tay một người đàn ông khác, để cùng đi nốt những năm dài tháng rộng về sau.

Ông không còn là người đầu tiên con gọi mỗi lần vấp ngã, không còn là người duy nhất có thể ru con ngủ bằng tiếng thở dài lặng lẽ. Người cha ấy dù cứng rắn đến đâu, thì giây phút nhìn con gái khoác váy cưới cũng là lúc họ yếu lòng nhất. Là lúc họ nhận ra, con gái không còn là của riêng mình nữa.

Người đời thường ví, gả con gái như bát nước hắt đi. Nhưng với người cha, bát nước ấy có thể hắt đi đâu được? Con gái, vẫn là máu thịt, là bóng hình, là hơi thở dịu dàng cả một đời. Chỉ là, tình yêu của cha, đôi khi phải lùi lại một bước, để con gái được bước đi đến hạnh phúc của riêng mình.

Và dẫu cho có bao nhiêu khúc cua cuộc đời, thì trong mắt cha, con vẫn là cô bé nhỏ, cột tóc hai bên, líu ríu bên ba mỗi buổi tan học về. Người cha nào cũng chỉ có một “công chúa nhỏ” và đó là tình yêu không bao giờ, không ai có thể thay thế. Có thể cha không cõng con cả đời nhưng cha đã đi bên con suốt những năm tháng đầu đời, bằng tất cả yêu thương không điều kiện. Và như thế, là đủ để con mang theo, đi đến tận cùng hạnh phúc.

Cha tôi- người đàn ông khô khan nhưng lại là người gắn bó với tôi nhất trong suốt cả thời thơ ấu và chứng kiến mọi bước trưởng thành của tôi. Chưa từng nói lời yêu thương nhưng người cha ấy từng học cách thắt tóc cho con gái bằng đôi bàn tay vụng về, thô ráp.

Ngày chia tỉnh, cha đạp xe khắp Đồng Hới chỉ để tìm cho được con búp bê giống với con búp bê tôi đã bỏ quên ở Huế. Cũng là người cha tưởng như khô khan ấy đã âm thầm đứng ngoài cửa lớp buổi khai giảng đầu tiên, chỉ để biết chắc rằng con gái mình không sợ hãi khi rời vòng tay cha.

Có những đêm tôi sốt, mẹ tất bật pha thuốc, còn cha ngồi cạnh, không biết làm gì ngoài việc đưa tay lên trán con, khẽ khàng dỗ dành: “Không sao đâu, có cha đây rồi”. Từ khoảnh khắc đó, đứa con gái-là tôi-luôn tự tin trước mọi ngã rẽ cuộc đời vì luôn tin rằng, mọi sóng gió dù xô ngã đến đâu, cũng có cha kề bên, bảo vệ bằng mọi giá.

Năm 15 tuổi, tôi báo tin mình đỗ vào trường phổ thông ở thành phố, cha vừa vui, ánh mắt vừa thoang thoáng một nỗi buồn. Cha tôi im lặng suốt bữa cơm. Đêm ấy, cha lặng lẽ ngồi dưới hiên nhà rất lâu. Những điếu thuốc thi nhau cháy đỏ. Bao trăn trở hiện lên trên gương mặt đã nhiều nếp gấp của ông. Mẹ tôi kể rằng, trong suốt những năm tôi trọ học xa nhà, nhiều đêm ông không ngủ, cứ thao thức với đủ thứ lo toan.

Rồi tôi lớn lên, nỗi lo ấy cũng lớn dần trong mắt cha. Có lần, thức dậy sau ca phẫu thuật, giữa mê man, thức tỉnh, nhìn thấy cha đứng bên giường bệnh, tôi lại òa khóc nức nở như một đứa trẻ. Khóc vì vết thương bên vòm ngực trái cứ đau rưng rức, vì tác dụng phụ của thuốc gây mê làm tôi choáng váng và khóc vì thương cha.

Gần 40 tuổi, khi chúng bạn đang tung tẩy ở ngoài kia, “đầu đội trời, chân đạp đất” thì tôi lại nằm đây, giữa chằng chịt dây dợ, giữa ốm yếu và bệnh tật. Gần 40 tuổi, đủ trưởng thành và sức vóc để có thể dang tay ôm hết những toan lo thì tôi lại nằm đây, để cho mái đầu bạc kia phải khóc rưng rức vì lo lắng. Đó cũng là lần đầu tiên tôi thấy cha mình bật khóc. Nước mắt xô nhau ngã trên gương mặt chằng chịt nếp gấp của ông.

Bạn tôi- đứa con gái vừa mất cha- một ngày bỗng òa khóc nức nở khi đọc được câu thơ như cứa vào tâm can: “Ta đi mơ mộng trên trời/ Để cha cuốc đất một đời chưa xong”. Bạn bảo, bao nhiêu năm tháng tuổi trẻ, bạn mải mê theo đuổi những ước mơ của riêng mình nơi phố thị xa hoa. Một thành phố rực rỡ đèn vàng. Một giấc mơ đời mình bay xa như diều no gió. Cứ thế, mà đi. Đầy hào hứng. Đầy khát vọng. Đầy những chuyến tàu không ngoái lại.

Bạn cứ nghĩ cuộc đời là để bước tới phía trước mà quên mất một điều rằng nơi quê nhà, cha một mình trong căn nhà quạnh quẽ, quẩn quanh một đời nơi mảnh vườn cũ. Chưa bao giờ cha đòi hỏi bạn phải báo đáp điều gì mà cứ lặng lẽ vun trồng những ước mơ con trẻ.

Có lần bạn rưng rưng: “Giá như... mình từng hỏi cha một lần rằng cha có ước mơ gì không”. Trong trí nhớ của bạn, cha chưa bao giờ nói đến ước mơ. Cha chỉ nói mùa màng, ruộng nắng, cánh đồng mùa lũ. Những thứ tưởng nhỏ bé, vụn vặt nhưng là cả trời lam lũ của một đời người. Cha không có ước mơ nào vĩ đại. Ước mơ của cha giản dị đến nhói lòng: Một đời an yên cho con gái nhỏ. Để rồi, khi bạn nhận ra điều đó thì cha đã mãi mãi đi xa.

Hóa ra, những điều lớn lao nhất trong đời lại được nâng đỡ bởi những yêu thương lặng thầm nhất. Như tình cha âm thầm như mặt đất, vững vàng gánh lấy từng bước chân con, suốt cả một đời.

Diệu Hương


Diệu Hương

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Tin liên quan

Gợi ý

POWERED BY
Việt Long