Cập nhật:  GMT+7

“Gia tài” người lính

Trong căn phòng nhỏ nằm trên đồi cát Bảo Ninh (phường Đồng Hới), cựu chiến binh Nguyễn Quang Ân tiếp tôi trong bộ quân phục chỉnh tề. Giữa không gian giản dị ấy, “gia tài” của người lính già cũng đơn sơ, mộc mạc. Đó là những tấm huân, huy chương lấp lánh trên ngực áo, là những ký ức một thời trận mạc và đặc biệt là tấm ảnh chụp cùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mà ông luôn nâng niu, được treo ở vị trí trang trọng nhất.

“Gia tài” người lính

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến thăm cựu chiến binh Nguyễn Quang Ân vào tháng 6/2024 - Ảnh: N.M

Bức ảnh được chụp vào một chiều tháng 6/2024, khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, trong chuyến công tác tại tỉnh Quảng Bình (cũ), đã đến thăm ông. Đó là một cuộc gặp mặt giản dị với cái bắt tay cùng một vài câu chuyện giữa người đứng đầu Chính phủ và người lính già, nhưng chất chứa bao điều sâu xa, đẹp đẽ.

Ông kể chuyện đời lính, về những năm tháng hào hùng trong đội ngũ Sư đoàn 304 như thể ký ức vừa mới hôm qua. Thủ tướng lặng nghe và khi chuẩn bị chia tay, Thủ tướng hỏi ông có mong ước gì không? Ông cười hiền lành, rằng Đảng, Nhà nước đã chăm lo rất tốt cho người có công, gia đình chính sách, trong đó có ông, nên bản thân chỉ có một ước mơ giản dị, là được chụp cùng Thủ tướng một bức ảnh để làm kỷ niệm. Và bây giờ, bức ảnh đã trở thành một trong những kỷ vật quý giá trong “gia tài” khiêm tốn của người cựu chiến binh già.

Cuộc gặp gỡ chỉ kéo dài chừng mười lăm phút, nhưng với ông Ân, một người lính đã ngoài 80, đó mãi mãi là khoảnh khắc khó quên. Cái bắt tay nồng hậu của Thủ tướng và tấm ảnh chụp chung giản dị ấy không chỉ là kỷ niệm đẹp mà còn là sự tri ân sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với những người đã hy sinh, cống hiến một phần xương máu cho độc lập, tự do của Tổ quốc.

“Gia tài” người lính

Cựu chiến binh Nguyễn Quang Ân và cuộc sống đời thường giản dị - Ảnh: N.M

Sinh năm 1942 tại làng biển Cảnh Dương (xã Hòa Trạch, tỉnh Quảng Trị), sau một thời gian công tác trong ngành Thủy sản, năm 1966, ông Ân nhập ngũ và biên chế vào C10, Đại đội pháo binh mặt đất. Năm 1972, ông bị thương trong một trận đánh và sau khi vết thương được chữa lành, ông tiếp tục quay trở lại mặt trận. Lúc này, chiến trường miền Nam ngày càng khốc liệt, năm 1973, ông được bổ sung vào hàng ngũ Sư đoàn 304, thuộc Quân đoàn 2 và cùng đồng đội “đi B” cho đến ngày đất nước toàn thắng.

Với những đóng góp trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì, Huân chương Chiến công hạng Ba, Huân chương Giải phóng hạng Ba. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày đất nước thống nhất, qua bao lần chuyển nhà, qua hành trình mưu sinh đầy nhọc nhằn, những kỷ vật ấy vẫn luôn theo ông, bởi với ông, đó là “gia tài” vô cùng quý giá.

Những mốc cuộc đời của ông cứ tuần tự trôi qua, bình thường và giản dị như bao người. Năm 1982, do sức khỏe yếu, ông xuất ngũ và quay trở lại ngành Thủy sản. Đến năm 1985, ông nghỉ việc theo chế độ mất sức. Đó là những năm tháng đất nước còn rất nhiều gian khó và gia đình nhỏ của ông cũng không ngoại lệ.

Tiền trợ cấp thương binh và mất sức không đủ sống, vợ chồng ông không nề hà bất cứ việc gì, họ làm đủ nghề để mưu sinh. Dù cuộc sống vất vả, ông vẫn tích cực tham gia công tác đoàn thể tại địa phương, giữ nhiều “chức vụ” trong Hội Cựu chiến binh, Hội Bộ đội Trường Sơn..., nơi ông tiếp tục phát huy phẩm chất của người lính trên mặt trận đời thường. Thế rồi mấy năm trước, người bạn đời đã bỏ ông ra đi, cuộc sống của ông càng hiu quạnh hơn.

Dù cuộc sống nay đã vắng bóng người bạn đời, thân thể không còn khỏe mạnh như xưa, nhưng cựu chiến binh Nguyễn Quang Ân vẫn sống bình thản, chỉn chu, tự lo cho mình từng bữa cơm, giấc ngủ trong căn phòng nhỏ đơn sơ được dựng trên phần đất của người em gái. Căn phòng được xây dựng nhờ số tiền 40 triệu đồng từ chương trình hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng, một chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước.

“Gia tài” người lính

Cựu chiến binh Nguyễn Quang Ân và bức ảnh quý giá được treo trang trọng - Ảnh: N.M

Để có căn phòng ấy, ông Ân không quên kể về sự quan tâm tận tình của bà Hà Thị Ngân, nguyên Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TP. phố Đồng Hới (cũ). Là người theo dõi sát sao hoàn cảnh của ông Ân, bà Ngân đã gặp gỡ, cập nhật thông tin và đề xuất với cơ quan chức năng hoàn thiện thủ tục để ông hưởng chính sách hỗ trợ kịp thời. Sau khi căn phòng hoàn thành, bà Ngân đã đến thăm và tặng ông một chiếc giường mới, món quà nhỏ nhưng ấm áp nghĩa tình.

Chia sẻ về ông Ân, bà Ngân trân trọng: “Dù hoàn cảnh rất khó khăn, nhưng cựu chiến binh Nguyễn Quang Ân chưa từng kêu ca nửa lời. Ông sống kiệm lời, tự trọng và luôn giữ vững phẩm chất người lính. Không nổi tiếng với những chiến công hiển hách, nhưng sự bình dị và lặng lẽ vượt qua khó khăn của ông lại khiến mọi người cảm phục và trân quý hơn cả”.

Em gái ông Nguyễn Quang Ân là bà Nguyễn Thị Minh (sinh năm 1958) cho biết, khi bà ngỏ lời mời anh trai về sống cùng trong căn nhà khá khang trang của mình, ông Ân từ chối và bảo, hiện tại bản thân ông vẫn còn có thể tự chăm lo cho mình, lại có tiền của Nhà nước hỗ trợ đủ để dựng nhà, có tiền trợ cấp thương binh hàng tháng, vài người thân tặng ít vật dụng, ông không muốn làm phiền em gái và các cháu. Căn phòng nhỏ, chiếc radio cũ, gốc na mới trồng đang lên xanh và chú chó làm bạn, với ông thế là đủ bình yên.

“Gia tài” của người lính già không nhiều, nhưng vô cùng quý giá, bởi trong đó có cả một thời trận mạc, có những vết thương không dễ nguôi ngoai, đặc biệt là sự quan tâm, trân trọng và tri ân của đất nước dành cho những người đã dâng hiến tuổi xuân vì Tổ quốc. Và với ông Ân, tấm ảnh chụp cùng Thủ tướng, kỷ vật giản dị mà thiêng liêng, không chỉ là minh chứng cho sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước, mà còn là nguồn động viên tinh thần lớn lao để ông tiếp tục phát huy phẩm chất người lính, sống kiên cường, tự trọng và lạc quan trong quãng đời còn lại.

Ngọc Mai

Tin liên quan:
  • “Gia tài” người lính
    Khi người lính trở về

    Người cựu chiến binh (CCB) Quảng Bình trở về từ chiến trường Quảng Trị hơn nửa thế kỷ về trước, lại bồi hồi, xúc động bởi nơi đó nay đã thành quê hương ruột thịt. Chúng tôi may mắn được trò chuyện cùng ông vào giữa những ngày tháng 7/2025 lịch sử, khi Quảng Bình - Quảng Trị về chung một nhà, khi cả nước hướng đến kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ, tri ân người có công, để nghe ông kể những câu chuyện về người lính, những đồng đội người còn, người mất và lằn ranh sinh tử năm xưa... Đó là CCB Trần Xuân Trường (SN 1948), ở tổ dân phố (TDP) 11 Đồng Phú, phường Đồng Hới.

  • “Gia tài” người lính
    Tâm tình người lính tình nguyện

    Bảy năm làm chiến sĩ tình nguyện trên đất bạn Lào, ngần ấy thời gian chưa phải là dài nhưng đã để lại trong tôi đầy ắp những kỷ niệm khó quên về một đất nước Lào tươi đẹp với những con người dịu dàng và mến khách, chia ngọt, sẻ bùi, kề vai sát cánh cùng các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu chống kẻ thù chung, xây đắp nên truyền thống hữu nghị đặc biệt và hôm nay cùng nhau xây dựng cuộc sống mới vì một nền hòa bình, thịnh vượng của hai nước, hai dân tộc Việt Nam - Lào.


Ngọc Mai

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Đằng sau một lá thư thời chiến

Đằng sau một lá thư thời chiến
2025-07-25 05:20:00

QTO - Là người duy nhất sống sót sau trận đánh tại Cao điểm 21, xã Gio Mỹ, Gio Linh, ngày 16/10/1968, ông Hoàng Ngọc Bích được đồng đội đưa ra khỏi trận...

Tin liên quan

Gợi ý

POWERED BY
Việt Long